Thầy dạy tôi bình tĩnh sống ở đời

Nhìn thầy bình thản lật từng trang sách dù thân thể đang gánh chịu những cơn đau của bệnh tật, tuổi tác, lòng tôi không khỏi dâng lên niềm thán phục…

Thầy dạy tôi bình tĩnh sống ở đời - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng (bìa trái) – Ảnh: Website Trường ĐH Văn Hiến

Hơn bốn năm đảm nhiệm công tác trị sự và biên tập tại Tạp chí Khoa học ĐH Văn Hiến, tôi đã được học từ thầy nhiều bài học đáng quý không những trong nghề nghiệp chuyên môn mà còn cả trong những tình huống đối nhân xử thế giản dị hằng ngày.

Thầy là PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, Nguyên Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ tự động TP.HCM, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học ĐH Văn Hiến.

Thời gian sau này, tuy tôi đã chuyển về công tác giảng dạy – nghiên cứu tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của trường nhưng tôi vẫn luôn được thầy quan tâm, động viên.

Nhân tháng 11 có nhiều ý nghĩa với ngành giáo dục, tôi muốn bày tỏ chút tâm sự lòng mình, về người thầy đã cho tôi nhiều bài học vào đời.

Những bài học từ thầy, của thầy, không đơn giản là những lời nói, mà được tôi cảm nhận từ chính những hành xử của thầy trong cuộc sống. Qua cách xử thế, thầy dạy tôi những bài học về sự thấu đạt khi ta đặt vấn đề cần giải quyết trong bức tranh nhiều góc độ của chính nó.

Nghĩ ngược xong thì cũng nên nghĩ xuôi. Sau khi đánh giá thuận lợi thì cũng nên thẳng thắn nhìn nhận khó khăn. Điều gì, việc gì cũng cần suy nghĩ cặn kẽ trong tất cả những tình huống, những khả năng có thể xảy đến, và những kịch bản giải pháp cho từng tình huống đó.

Có thể nói, thầy là một trong những người sếp để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Còn nhớ năm đó, đơn vị thiết kế dàn trang mà tạp chí thuê ngoài đã quên thiết kế dòng chữ ISSN ngay trang bìa của tạp chí. Ấn phẩm thì đã in hàng trăm bản. Giữa trưa hè đổ lửa, dù tuổi cao, thầy vẫn trực tiếp cùng tôi đến nhà in để liên hệ chỉnh sửa.

Thầy không nặng lời truy cứu các bên liên quan đã xao lãng để vô tình xảy ra sự cố đáng tiếc, mà chỉ nhiệt tâm lo lắng cho tạp chí, tìm mọi cách để giải quyết sự việc. Cuối cùng, tạp chí vẫn phát hành đúng kỳ hạn trong “trang phục” chỉn chu, chính xác như vốn dĩ.

Bài học đó đã theo tôi chừng ấy thời gian, và sẽ còn bên tôi suốt những năm tháng sau này. Đó là chỉ khi tâm trí chúng ta gạt qua niềm bực tức, sự nóng giận thì chúng ta mới có đủ sáng suốt để giải quyết những nan đề trong cuộc sống, nơi mà ở đó đòi hỏi sự tỉnh táo của lý trí và niềm mến thương của tình cảm.

Bài học mà tôi tâm đắc từ thầy là lối sống chậm, thư thái. Còn nhớ có lần tôi đến thăm thầy nằm viện, dù sức khỏe có nhiều điều khó khăn trở ngại nhưng thầy vẫn dành thời gian để đọc báo, đọc sách.

Nếu là người trẻ như tôi, những khi thân thể ốm đau, thường vẻ ngoài thì nhăn nhó khó chịu, trong lòng thì cảm thấy bức bối, chán chường khôn tả.

Nhìn hình ảnh thầy bình thản lật từng trang sách, giở từng trang báo, mặc trong thân mình đang gánh chịu những cơn đau của bệnh tật, của tuổi tác, lòng tôi không khỏi dâng lên niềm thán phục.

Thầy khiến tôi nhận ra rằng trong bất kỳ hoàn cảnh không như ý nào, ngoài việc tìm ra nguyên nhân để giải quyết thì chúng ta còn rất cần một tâm thế tiếp nhận tích cực. Tâm thế ấy sẽ soi lối chúng ta tìm đến ngọn nguồn của an yên, thanh thản.

Vì cuộc sống là chuỗi đan xen của những điều như ý và bất như ý, thế nên hãy sẵn lòng đón nhận những điều gập ghềnh chông gai bằng thái độ như đối với những điều hợp nhãn, hợp lòng.

Và tôi biết, không chỉ tôi, nhiều người cũng đã, đang và sẽ kính trọng thầy – người thầy luôn tạo cảm giác thân thiện, không khí hòa nhã cho những ai cộng tác cùng…

TRẦN XUÂN TIẾN (Khoa KHXH&NV – Trường ĐH Văn Hiến)
(Theo Tuổi trẻ)
Liên kết web
Về TDC
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon