Sáng 29/10, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức chương trình “Trao đổi và tư vấn nghề nghiệp cho HSSV khuyết tật” đang theo học tại trường. Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Toán – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Văn Cử – Phó Giám đốc Trung tâm DRD và 27 HSSV khuyết tật đang theo học tại TDC.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Xuân Toán – Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự biết ơn về những đồng hành và hỗ trợ của DRD dành cho các HSSV “đặc biệt” của TDC. Sự quan tâm, chăm lo của nhà trường, sự đồng hành của DRD sẽ giúp cho các bạn HSSV khuyết tật có động lực và niềm tin vượt qua những khó khăn, mặc cảm để vươn lên trong học tập và cuộc sống, tiếp cận cơ hội việc làm bền vững trong tương lai.
Theo báo cáo của Phòng Công tác chính trị – HSSV, TDC hiện có 27 HSSV khuyết tật đang theo học ở các ngành học, bậc học khác nhau. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, nhà trường cũng đã triển khai các chương trình đồng hành và hỗ trợ cho HSSV khuyết tật phù hợp với đặc điểm ngành học để các bạn tự tin hòa nhập môi trường học tập như các sinh viên khác. Đặc biệt, mô hình thành lập 5 nhóm “Tương trợ – San sẻ – Yêu thương” tại các khoa có sinh viên khuyết tật nhằm hỗ trợ việc di chuyển và học tập thường xuyên cùng với các bạn sinh viên khuyết tật đã góp phần xây dựng và lan tỏa những hành động đẹp, giúp HSSV thấu hiểu và san sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong nhà trường và cộng đồng.
Tại chương trình “Trao đổi và tư vấn nghề nghiệp cho HSSV khuyết tật”, ông Nguyễn Văn Cử – Phó Giám đốc Trung tâm DRD dành nhiều thời gian để lắng nghe những chia sẻ của các bạn HSSV khuyết tật trong học tập, sinh hoạt và nguyện vọng nghề nghiệp mong muốn của bản thân. Mang đến một câu chuyện truyền cảm hứng từ chính bản thân mình, cùng với mạng lưới các doanh nghiệp đồng hành cùng người khuyết tật ở nhiều lĩnh vực, đại diện Trung tâm DRD mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về hoà nhập người khuyết tật cho cộng đồng và người khuyết tật, để cộng đồng nhìn nhận người khuyết tật trên góc độ giá trị, năng lực; đồng thời giúp người khuyết tật tin vào giá trị, khả năng của mình để tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội khác.
(Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh)