Chiều 14/2, bà Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng, bà Phạm Ngọc Tường – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng, khoa Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) đã làm việc với ông René Martin Larsen và bà Lene Kvist – đại diện ban quản lý dự án VET 4.0 của Bộ Giáo dục Đan Mạch (VET – Vocational Education and Training).
Đại diện lãnh đạo nhà trường cùng các thành viên phát triển dự án của Bộ Giáo dục Đan Mạch
Tại buổi làm việc, ông René Martin Larsen và bà Lene Kvist đã chia sẻ thông tin về dự án với mong muốn 2 bên sẽ có cơ hội trở thành đối tác liên kết của nhau. Khi trở thành đối tác liên kết của VET 4.0, TDC sẽ được tham gia vào các hoạt động của dự án như: hội thảo, hội nghị, tập huấn tại châu Âu với chi phí do các đối tác thành viên tại châu Âu và học bổng Eramus+ đài thọ; truy cập miễn phí chương trình lớp học di động với các công nghệ học tập hiện đại nhất như VR, AR và AL; miễn phí truy cập nguồn tài nguyên phục vụ công tác đánh giá và sử dụng tài liệu học tập và công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, các đối tác có trách nhiệm đóng góp để xây dựng chương trình, cử người tham dự các khóa học, kiểm tra, đánh giá các tài liệu liên quan và thu thập dữ liệu khảo sát từ sinh viên, giảng viên phục vụ công tác dự án.
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng bày tỏ sự vinh dự khi được đại diện dự án đến thăm và cung cấp thông tin. Hiệu trưởng chia sẻ, TDC sẽ nỗ lực hết sức để có cơ hội tham gia vào dự án này.
VET 4.0 là dự án do Trung tâm đào tạo nghề Đan Mạch – Trung tâm tri thức vì và công nghệ hỗ trợ cuộc sống và an sinh xã hội Tây Đan Mạch triển khai nhằm kết nối và chia sẻ tri thức liên quan đến công nghệ phục vụ an sinh xã hội và nâng cao năng lực cho người lao động thích ứng với nhu cầu xã hội trong tương lai.
Mục đích của dự án: – Phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp tích hợp công nghệ kỹ thuật số trên nền tảng đào tạo trực tuyến (VET MOOC platform) tại Châu Âu và xuyên quốc gia (TNE). Mô hình này được xây dựng dựa trên số liệu điều tra khảo sát các thị trường được chọn. Mô hình này là công cụ cho các trường đào tạo nghề muốn thể gia nhập hệ thống giáo dục TNE trong việc tạo nền tảng và sáng tạo chiến lược để tiến vào kỷ nguyên công nghệ kỹ thuật số. – Xây dựng quan hệ đối tác nhằm thiết kế và phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến VET MOOC phù hợp với thực trạng giáo dục đào tạo nghề. Nền tảng MOOC vận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là một công cụ tuyệt vời giúp nâng cao tính hấp dẫn và mở rộng lĩnh vực đào tạo nghề trên toàn cầu. |
(Trung tâm Truyền thông & Tư vấn tuyển sinh)