Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề

Sự gắn kết giữa nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp giúp việc đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động đạt chất lượng cao, bám sát với nhu cầu của thị trường lao động.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề

Sự đồng hành, gắn kết giữa nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp trong phát triển kỹ năng cho người lao động là mô hình cần được nhân rộng, giúp việc đào tạo nghề đạt chất lượng cao, bám sát với nhu cầu của thị trường lao động. Đây là chủ đề được nhấn mạnh trong Ngày kỹ năng lao động Việt Nam năm nay, 4/10.

Kỹ năng nghề nghiệp thể hiện giá trị người lao động

Trong báo cáo thị trường lao động quý III/2023, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định: “Thị trường lao động – việc làm ngày càng thay đổi năng động, nhu cầu nhân lực tập trung vào lao động có trình độ, kỹ năng”.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, để bắt nhịp tốt với thị trường lao động, gia tăng lợi thế cạnh tranh của bản thân khi tìm việc và làm việc, người lao động cần đa dạng hóa kỹ năng của bản thân, tích cực nâng cao kiến thức, trình độ.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 1
Trường nghề có lợi thế là 70% thời lượng đào tạo thực hành, sinh viên giỏi kỹ năng nghề thực tế (Ảnh: TDC).

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM, đánh giá kỹ năng nghề nghiệp là giá trị cốt lõi của người lao động hiện nay và trong thời gian tới.

Theo Ủy ban Châu Âu, các công nghệ mới xuất hiện trong thập kỷ tới có thể định hình lại hàng triệu việc làm. Ước tính, do quá trình số hóa, đến năm 2025, 50% nhân viên trên toàn thế giới cần được đào tạo lại các kỹ năng làm việc phù hợp.

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Với sự phát triển không ngừng trong rất nhiều lĩnh vực, những kiến thức thu được trên giảng đường đại học là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hỗ trợ người lao động trong công việc”.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, việc liên tục học hỏi kỹ năng nghề nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu công việc là yếu tố thành bại của người lao động. Việc đào tạo nhân lực theo phương thức tổ chức các khóa đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp, kỹ năng quốc tế là xu hướng của tương lai.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 2
Mỗi vị trí công việc cần những kỹ năng riêng và liên tục thay đổi theo thời gian (Ảnh minh họa: STHC).

Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM nhận định: “Việc này không chỉ giúp người lao động có bộ kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc thay đổi từng ngày mà còn giúp họ liên tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin và kỹ năng mới để ứng dụng vào chuyên môn”.

Có kỹ năng, có thu nhập tốt

Để xây dựng Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) đang nghiên cứu toàn diện về thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả nghiên cứu của HIDS, trong những năm qua, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm, đặc biệt là ở những ngành thâm dụng lao động.

Tuy nhiên, trong thời kỳ 2011-2020, số lao động ngành công nghiệp giảm nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn duy trì bình quân trên 6%/năm. Điều này cho thấy năng suất lao động ngành công nghiệp tăng lên trong thời kỳ này.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 3
Số lao động giảm nhưng năng suất lại tăng (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, bối cảnh hiện nay, lực lượng lao động có kỹ năng có ý nghĩa quyết định tới năng suất lao động. Kỹ năng nghề đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.

Kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những lao động được đào tạo hệ GDNN có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo GDNN. Tức là, người học GDNN tìm việc làm dễ hơn và thu nhập cao hơn.

Nguyên nhân là những lao động học GDNN được trang bị kỹ năng tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và khả năng cạnh tranh với lao động khác được cải thiện.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 4
Lao động có tay nghề cao sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Do đó, nhóm nghiên cứu khẳng định việc đầu tư cho việc đào tạo nghề, năng cao kỹ năng nghề cần được xem là một trong những trọng tâm của chiến lược lao động và việc làm của thành phố trong thời gian tới.

Doanh nghiệp và nhà trường nương tựa vào nhau

Cuối tháng 8, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) tổ chức lễ tiếp nhận trang thiết bị thực hành do công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến tài trợ với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Công ty tài trợ nhiều thiết bị cho phòng thực hành rộng 120m2 của khoa Điện – Điện tử như: tủ điện, thang máng cáp, các loại khí cụ điện, vật tư thiết bị để thi công hệ thống điện…

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 5
Doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường đào tạo và nhận về nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, có thể làm việc được ngay (Ảnh: TDC).

Theo ông Võ Long Triều, Hiệu trưởng TDC, hỗ trợ của doanh nghiệp rất thiết thực vì có thể giúp trường nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Với những thiết bị này, sinh viên có thêm điều kiện thực hành nâng cao kỹ năng, tay nghề chuyên môn trong quá trình học.

Ông Nguyễn Trần Thanh Long, Tổng Giám đốc công ty Đạt Vĩnh Tiến, xem đó là hoạt động đồng hành của doanh nghiệp với nhà trường, trang bị hiện đại để có thể dạy cho sinh viên kiến thức sát với thực tế sản xuất. Khi ra trường, sinh viên có thể đến công ty ông làm việc, làm lợi cho doanh nghiệp; hoặc đến công ty khác làm việc thì cũng làm lợi cho xã hội.

Hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ diễn ra tại TDC mà hầu như các trường nghề tại TPHCM đều xem đó như là một chiến lược phát triển chất lượng đào tạo của nhà trường và tích cực thực hiện trong những năm gần đây.

Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành nổi tiếng với các ngành chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp rất tích cực liên kết với các trung tâm thẩm mỹ, spa… để thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn.

Gắn kết 3 nhà để phát triển đào tạo nghề - 6
Nhờ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, sinh viên trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành có kỹ năng tốt ngay từ ghế nhà trường, có thể thi thố tài năng với các chuyên viên lành nghề (Ảnh: Tùng Nguyên).

Với sự hợp tác này, nhà trường tận dụng được thiết bị hiện đại nhất đang lưu hành trên thị trường do doanh nghiệp trang bị, học viên học xong là có thể làm việc được ngay. Ngoài ra, trường cũng tận dụng được đội ngũ thợ tay nghề cao đang làm việc tại doanh nghiệp để chỉ dẫn những thao tác thực tế, kinh nghiệm làm nghề cho học viên.

Còn các doanh nghiệp thì có được nguồn nhân lực dự bị chất lượng, có tay nghề luôn sẵn sàng làm việc khi cần mà không cần tốn chi phí đào tạo.

Ông Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật quận 12, cho rằng: “Việc liên kết giữa chính sách nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nâng cao hiệu quả đào tạo mà học sinh, sinh viên cũng an tâm sẽ có việc làm ngay khi ra trường”.

Ngày 1/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg, quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Mục đích tổ chức thống nhất Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam trên toàn quốc là nhằm kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, tổ chức ngày kỷ niệm này trên toàn quốc cũng nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.

Chính phủ cũng muốn thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tùng Nguyên

(Theo Dân trí)

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon