Sinh viên phải biết mình đang thiếu cái gì

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế Q.Thủ Đức, TP.HCM, khi vào doanh nghiệp thực tập sinh viên phải biết mình đang thiếu cái gì và cần cái gì để chủ động hỏi người hướng dẫn.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm /// Lê Thanh

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm

LÊ THANH
Ngày 11.8, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức lễ ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao cho thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình, nhà trường còn tổ chức buổi tọa đàm với 30 chủ doanh nghiệp để lắng nghe những ý kiến đóng góp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu ra.

“Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của chủ doanh nghiệp, những người trực tiếp sử dụng nguồn lao động do nhà trường đào tạo ra đang khuyết chỗ nào để có hướng khắc phục, điều chỉnh trong chương trình đào tạo của mình. Nói chung, mục đích của chúng tôi là làm thế nào để một sinh viên khi tốt nghiệp, bước vào môi trường doanh nghiệp có thể tiếp cận công việc nhanh nhất, làm việc hiệu quả nhất chứ không phải đào tạo lại”, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Là người sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế Q.Thủ Đức, TP.HCM góp ý: “Ngoài việc dạy về chuyên môn, tay nghề cho sinh viên thì nhà trường cần chú trọng dạy cho sinh viên về kỹ năng và thái độ để khi các em tiếp cận với môi trường làm việc không bị bỡ ngỡ”.
Theo ông Vĩnh, khi vào doanh nghiệp thực tập sinh viên phải biết mình đang thiếu cái gì và cần cái gì để chủ động hỏi người hướng dẫn. “Nhiều em sinh viên khi vào doanh nghiệp thực tập cứ trách người hướng dẫn không chỉ cho họ. Trên thực tế, người hướng dẫn là những người cũng đi làm công cho doanh nghiệp nên họ cũng có rất nhiều việc phải hoàn thành trong ngày. Mặc dù họ rất rành về chuyên môn và nghiệp vụ nhưng họ sẽ không biết phải hướng dẫn cho các bạn thực tập từ đâu, vì họ không phải là người thầy giáo. Chính vì vậy, sinh viên thực tập cần phải chủ động hỏi những điều mà mình chưa biết, chưa hiểu. Nếu các bạn có sự chủ động trao đổi, tôi cho rằng họ sẽ tranh thủ thời gian chỉ dẫn cho bạn. Đừng bao giờ trông chờ vào người hướng dẫn cho bạn theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Vĩnh nói.
Sinh viên phải biết mình đang thiếu cái gì - ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhà trường phải giúp các em biết rõ về công việc của một người thợ sau khi ra trường

ẢNH: LÊ THANH
Là người làm việc trong lĩnh vực nhân sự nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và thương mai quốc tế Sao Việt, lưu ý: “Nhiều sinh viên khi bước vào môi trường làm việc nhưng không biết soạn thảo những văn bản cần thiết như: Viết kế hoạch, báo cáo trình lãnh đạo; viết email gửi cho đối tác. Cho nên, tôi nghĩ ngoài việc trang bị những kỹ năng giao tiếp, tác phong công nghiệp, nhà trường cần chú trọng dạy thêm cho sinh viên về kỹ năng soạn thảo văn bản trước khi các em tốt nghiệp”.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư thương mại Vân Khanh, nêu thực tế: “Với các trường dạy nghề, trong quá trình đào tạo thầy cô phải quán triệt tư tưởng cho sinh viên, giúp các em hình dung, biết rõ về công việc của một người thợ sau khi ra trường. Đó là các em phải tiếp xúc với công xưởng, nhà máy, thiết bị hoặc bước ra công trình để làm những công việc tay chân. Em nào giỏi, nhạy thì cũng phải trải nghiệm làm lao động trực tiếp chân tay khoảng 1 năm. Sau một thời gian có kinh nghiệm thì các em mới được cân nhắc vào những công việc tổ trưởng, quản lý. Nhiều em mới ra trường còn mơ hồ về công việc làm của mình, thấy mình sao học nghề ra làm công việc cực quá rồi bỏ ngang nửa chừng rất uổng phí”.
Lê Thanh
(Theo Thanh niên)
Liên kết web
Về TDC
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon