Lò bánh Pháp chắp cánh ước mơ

Ở số nhà 53 đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP.HCM, có một tiệm bánh Pháp nhỏ xinh mang tên La Boulangerie Française. Đằng sau, những chiếc bánh nóng hổi ra lò mỗi ngày được bày bán ở đây là một ngôi trường đặc biệt, nơi chắp cánh ước mơ cho những bạn trẻ thiệt thòi.

Lò bánh Pháp chắp cánh ước mơ

Dạy nghề, dạy kỹ năng sống, học phí 0 đồng

Những chiếc bánh mì, bánh sừng bò hay mac-ca-rôn được bày bán ở La Boulangerie Française (Lò bánh Pháp) là sản phẩm của các học viên thuộc dự án đào tạo nghề bánh thực hiện bởi Viện Hợp tác và Phát triển Châu Âu (IECD) và trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC).

Xây dựng trên nền tảng thành công của mô hình Lò bánh Pháp tại Thừa Thiên-Huế, dự án tại TP.HCM được đầu tư 1,3 triệu EUR (trong đó 0,6 triệu EUR tài trợ bởi cơ quan phát triển Pháp AFD), dự án được triển khai trong 4 năm (2017-2021) với mục đích giúp đỡ trẻ thành niên có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm ổn định, có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình sau khi ra trường.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn

Sản phẩm của học viên La Boulangerie Française. Ảnh Tổng lãnh sự quán Pháp TP.HCM.

Tháng 12/2017, khóa học đầu tiên của cơ sở Lò bánh Pháp phía Nam đã chính thức khai giảng, mở ra cánh cửa mới cho những thanh niên nghèo, mồ côi, do hoàn cảnh khó khăn phải bỏ dở ước mơ đèn sách bươn chải kiếm sống.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn đầu vào với các môn thi Toán, Tiếng Anh, kiến thức xã hội, phỏng vấn, đánh giá động lực học tập và khảo sát gia cảnh, những học viên đủ tiêu chuẩn được bước vào chương trình đào tạo kéo dài từ 16-20 tháng.

Trong thời gian này, các em không chỉ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản của nghề bánh, mà còn được học kỹ năng ứng xử, tiếng Anh, để trở thành những lao động tự tin, độc lập, có tay nghề cao trong lĩnh vực khách sạn – nhà hàng.

Không gian thực hành tại Lò bánh Pháp. Ảnh: Sáng kiến Pháp – Việt 

Điều kiện học tập và sinh hoạt cho các học viên luôn được đảm bảo tối ưu, với tổ hợp các phòng học, văn phòng và ký túc xá khang trang trong khuôn viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Riêng khu đào tạo nghề đã có diện tích khoảng 110m2, được xây dựng với thiết kế đạt chuẩn bao gồm phòng làm bánh, phòng nướng bánh, kho chứa và bảo quản nguyên liệu, phòng thay đồ cho học viên cùng một số công trình phụ khác. Ngoài ra, thiết kế thoáng mát với điều hoà, các cửa ra vào và cửa sổ làm bằng kính cho phép khu này nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất. Tất cả các thiết bị, vật dụng nhà bếp đều được mua mới và thường xuyên được vệ sinh bởi các học viên.

Một điểm đặc biệt của khóa học, là các học viên đều được nhận hỗ trợ từ Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, gồm phòng ở trong khuôn viên ký túc xá, hỗ trợ về học phí, thực phẩm và chi phí y tế từ phía IECD. Mỗi tháng các em chỉ phải đóng 1 khoản phí tham gia là 150.000 VND. Với những trường hợp đặc biệt khó khăn, phí tham gia này có thể được giảm bớt hoặc miễn nộp.

Chắp cánh những ước mơ

Kim Tuyền, 19 tuổi, đến từ thị xã La Ghi, tỉnh Bình Thuận, là một trong những học viên của Lò bánh Pháp tại TP.HCM. Cha mẹ ly hôn khi em mới lên bốn, hai chị em Tuyền được nuôi lớn nhờ gánh ve chai của bà nội.

Tuyền kể rằng, em thích đi học lắm, và bà nội cũng đã cố gắng rất nhiều để các cháu có điều kiện được cắp sách tới trường, nhưng rồi, gánh ve chai của bà cũng không kham nổi những khoản tiền sách bút, học phí. Tuyền đành phải gác lại ước mơ của mình khi mới bước vào cấp 3.

Tình cờ biết được thông tin về chương trình Lò bánh Pháp dạy nghề miễn phí cho các bạn trẻ khó khăn, Tuyền đã thử sức và may mắn trúng tuyển, trở thành một trong những học viên khóa đầu tiên.

Sau những buổi đầu bỡ ngỡ, giờ đây, Tuyền đã bắt nhịp được với việc học tập và sinh hoạt tại ngôi trường mới. Gian bếp ấm áp với những chiếc lò nướng, máy đánh kem, gói bột mì, đã trở nên rất đỗi thân thuộc với em, đem lại nhiều hứng khởi mỗi ngày mới. Nhanh nhẹn, chững chạc trong bộ đồng phục trắng, trông Tuyền đã có dáng vẻ của một đầu bếp chuyên nghiệp.

Tuyên tâm sự, ước mơ của em là sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm trong một khách sạn 5 sao ở TP.HCM. Trong 10 năm sau đó, em sẽ phấn đấu trở thành bếp trưởng và tìm kiếm cơ hội thử sức tại Pháp.

Kim Tuyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng sau khi tốt nghiệp. Ảnh từ clip dự án.

So với những điều các anh, chị học viên đi trước đã làm được, thì những gì Tuyền mơ ước không hề viển vông, xa vời. Theo ông Thomas Behaghel, giám đốc khu vực Đông Nam Á của IECD, người đã đồng hành và chứng kiến sự phát triển của dự án từ những ngày đầu, đa số học viên của Lò bánh Pháp tại Huế sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm trong môi trường nhà hàng, khách sạn từ 4 sao trở lên, điển hình như Pullman, Lotte, Mercure, Intercontinental ở Hà Nội, Huế, TP. HCM,…

Đó là chưa kể đến gần mười cựu học viên với 5-10 năm kinh nghiệm đã “ra riêng”, có cửa hàng bánh do mình làm chủ. Những thành công này thực sự là một bước tiến rất dài so với xuất phát điểm của các bạn.

Các học viên khóa 1 của Lò bánh Pháp TP.HCM. Ảnh Dự án.

Với những gì đã đạt được, Dự án Lò bánh Pháp đang hướng tới phương thức hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Các sản phẩm đạt chất lượng sẽ được bán và số tiền thu về sẽ được đầu tư trở lại, cho phép trường học chi trả phí đào tạo cũng như phí sinh hoạt cho người hưởng lợi.

Từ nay đến năm 2021, dự án cũng đặt mục tiêu phấn đấu hàng năm sẽ đào tạo 20 thanh niên (trong đó có ít nhất 50% là nữ), đảm bảo trong 2 tháng sau tốt nghiệp, 95% học viên tìm được việc làm có mức lương cao hơn so với bình quân theo quan sát tại Việt Nam và lò bánh sẽ tự chủ được 90% về mặt tài chính vào cuối năm 2019 thông qua việc bán các sản phẩm của học viên.

Phi Yến

(Theo thoidai.com.vn)

Liên kết web
Về TDC
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon