Sự khác biệt giữa 4 sinh viên thực tập trình độ cao đẳng và đại học

Hai em sinh viên đại học hình như luôn có quan niệm được “ngồi mâm trên” nên sự tương tác với người thợ công nhân không được thoải mái.

Hầu như năm nào, công ty tôi cũng nhận từ 2-4 sinh viên thực tập (trung cấp, cao đẳng, đại học). Nếu xét về trình độ thì chắc chắn ai học đại học cũng có kiến thức chuyên ngành tốt hơn. Nếu chỉ đơn giản như thế thì chắc Việt Nam phải xây 1000 trường đại học thì mới đáp ứng được nhu cầu học vấn của sinh viên và những ai muốn lên bằng.

Cuối năm 2017, công ty tôi đã nhận 4 em sinh viên thực tập gồm hai bạn trình độ cao đẳng, hai bạn đại học. Qua đây, tôi có đôi lời nhận xét sau hơn một tháng cùng các em làm việc với nhau và làm chung với người công nhân chưa tốt nghiệp cấp 3.

Người công nhân đó hướng dẫn những công việc chính và sếp quản lý có nhắc nhở với anh ấy rằng họ có kiến thức cao hơn mình, nhưng họ chưa có trải nghiệm thực tế, hãy giúp họ hết mình. Sau này, họ biết, họ sẽ hỗ trợ cho tụi em rất nhiều thứ, vì họ có kiến thức. Cả 4 bạn trên đều làm chung một bộ phận nên có chung một nhiệm vụ.

Về kiến thức chuyên môn

Các bạn sinh viên đại học nắm bắt khá nhanh, khi nói gì cũng hiểu nhưng lúc thực hành cái hiểu đó là một bài toán “bực mình” và phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Còn về hai em sinh viên cao đẳng, hơi chậm hiểu lúc giao việc, nhưng được cái chỗ nào chưa hiểu thì hỏi rất rõ (đôi khi cũng hơi bực vì hỏi nhiều và hỏi những câu không liên quan). Đến khi hai em thực hành thì có phần yên tâm hơn.

Ý thức cộng đồng

Hai em sinh viên đại học hình như luôn có quan niệm được “ngồi mâm trên” nên sự tương tác và hỗ trợ với những người thợ chính trong công ty không được thoải mái. Tất nhiên, kết quả là phải đi làm lại từ đầu.

Còn hai em sinh viên cao đẳng lại hợp tác và hỗ trợ, đôi khi tranh thủ lúc hỗ trợ đó để khảo sát thêm cho những kiến thức mà họ đang thiếu hụt. Đặc biệt, hai em không ngại cực nhọc và dơ bẩn.

Thời gian làm việc

Hai em sinh viên đại học luôn luôn đến trễ 5 phút. Tôi hỏi ra thì biết họ đến rất sớm, nhưng ngồi quán cà phê, đợi các thợ vận hành máy móc xong mới vào.

Còn hai em sinh viên cao đẳng thì luôn đến trước 10 phút và họ ra về sau 30 phút. Mỗi ngày, họ đều gặp quản lý nhờ đánh giá công việc hôm nay và nhận kết quả cho hôm sau.

Thái độ làm việc

Sau Tết, công ty tôi làm từ mùng 6 âm lịch nhưng đến mùng 7, tôi đã thấy hai em sinh viên cao đẳng có mặt và làm việc chung. Tôi hỏi hai em sao không nghỉ đến khi nào đi học thì vào thực tập luôn. Họ trả lời: “Em đi thực tập cũng có nghĩ là em đi làm việc (tuy không chính thức) nên em cũng phải chấp hành đúng nội quy như bao anh em khác đang làm ở đây”. Tôi đánh giá đó là một thái độ làm việc tuyệt vời.

Còn hai em sinh viên đại học cho đến hôm nay (ngày 26/2, tức 11/1 âm lịch) vẫn chưa thấy mặt đâu, vì đang đi phượt ở Đà Lạt.

Thực ra tôi viết bài này không muốn phân biệt sinh viên hệ cao đẳng hay đại học, mà tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều rằng: Thái độ làm việc và những kỹ năng mềm tác động rất nhiều đến công việc và sự nhìn nhận từ nhà tuyển dụng.

Về kiến thức chuyên môn, nó sẽ giúp cho người lao động được thăng tiến và nhận được những gì các bạn đóng góp từ những kiến thức đó. Người sử dụng lao động biết đánh giá như thế nào và khi nào họ sẽ đưa ra đề bạt hay nhận xét với người lao động một cách hợp lý nhất.

Đồng thời, qua đây tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường rằng: Nếu có thể, các bạn hãy xin đi làm không lương hoặc xin đi thực tập những tháng hè ở các doanh nghiệp đang hoạt động về chuyên môn của các bạn đang học. Cách tốt nhất là nên xin vào những doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ học được rất nhiều thứ.

Trong hồ sơ xin việc sau này những kinh nghiệm đó sẽ là một tài sản quý báu của các bạn mà nhà tuyển dụng họ thích nhất. Chứ họ không thích những kinh nghiệm của các bạn học các ngành kỹ thuật mà lại đi làm gia sư, phát tờ rơi, phục vụ quán cà phê. Tôi nghĩ, tốt nhất trong hồ sơ xin việc đừng nên ghi vào những thứ đó.

Phạm Ngọc Thành

(Theo Vnexpress.net)

Liên kết web
Về TDC
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon