Nhiều giáo viên trẻ ủng hộ bỏ biên chế, loại người chuyên môn kém

Việc chuyển biên chế sang chế độ hợp đồng lao động sẽ tạo được công bằng, loại bỏ người chuyên môn kém, không cào bằng như hiện nay.

Đề xuất xóa biên chế giáo viên được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra, gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh ý kiến phản đối, nhiều giáo viên trẻ đồng tình, cho rằng chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ công bằng hơn trong đánh giá, tính lương.

“Ở trường tôi có giáo viên dạy kém, ứng xử với học sinh không tốt nên bị phụ huynh phản ứng nhiều. Đáng lý giáo viên đó phải bị giảm lương hoặc có thể sa thải, nhưng vì thuộc biên chế nên vẫn được đứng lớp. Dù chỉ được phân công dạy 6 tiết một tuần song theo cách tính lương dựa vào thâm niên, giáo viên này vẫn hưởng lương như các thầy cô dạy tốt khác”, Hồng Minh, giáo viên trường THPT công lập có tiếng ở Hà Nội nói.

Hơn 10 năm trong nghề, cô Minh chứng kiến không ít đồng nghiệp vào biên chế thì trở nên lười biếng. Tư duy là “người của nhà nước”, không dễ bị đuổi việc, cũng không lo lương giảm, khiến họ không chịu nâng cao trình độ chuyên môn. Cơ chế hợp đồng dài hạn với quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị sa thải, theo giáo viên Minh, sẽ khắc phục được bất cập hiện có của biên chế.

nhieu-giao-vien-tre-ung-ho-bo-bien-che-loai-nguoi-chuyen-mon-kem

Nhiều thầy cô sẵn sàng bỏ biên chế chuyển sang hợp đồng để tạo sự công bằng trong tuyển dụng, đánh giá giáo viên. Ảnh minh hoạ: Mạnh Tùng.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại ưu, Vân Anh được trường THPT chuyên cũ nhận về giảng dạy, có biên chế. 7 năm công tác, cô nhiều lần nuối tiếc khi thấy bạn cùng lớp kiếm được vài chục triệu khi dạy ở trường dân lập của thủ đô. Trong khi đó, tổng thu nhập của cô chỉ hơn 5 triệu. “Tôi chấp nhận vào nhà nước để có nhiều thời gian dành cho gia đình”, nữ giáo viên nói.

“Lợi thế” của việc biên chế, theo Vân Anh, ngoài việc có nhiều thời gian riêng còn là được coi trọng, không lo mất việc. Tuy nhiên, cô giáo trẻ sẵn sàng chuyển sang hợp đồng. “Nếu cứ hoàn thành tốt công việc được giao thì ở chế độ nào cũng không lo bị đuổi việc. Nếu dạy giỏi, thì dù là hợp đồng, giáo viên vẫn sẽ được học sinh, đồng nghiệp quý trọng, tôn vinh”, cô Anh phân tích.

Xóa bỏ biên chế, theo nữ giáo viên này, còn giải quyết được bất cập trong việc dùng tiền “chạy” vào nhà nước hiện nay. Nhiều giáo viên cô Anh biết đã phải bỏ vài chục triệu để vào biên chế ở trường THPT tuyến huyện.

“Không thể phủ nhận để có suất biên chế một số giáo viên đã dựa vào quan hệ, tiền tệ… Nhiều thầy cô có năng lực nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên chẳng thể chen chân vào nhà nước”, Quỳnh, giáo viên trường chuyên của Hà Nội nói.

Cô Quỳnh chỉ ra nhiều tiêu cực của chế độ biên chế như bộ phận không nhỏ thầy cô có chỗ trong nhà nước, yên tâm với vị trí của mình và không phấn đấu, trau dồi tri thức nên không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nền giáo dục. Nhiều giáo viên già đi dạy vật vờ chờ về hưu trong khi sinh viên mới ra trường không xin được việc…

“Bỏ biên chế thay bằng hợp đồng sẽ khiến mọi giáo viên phải nỗ lực, cầu thị, năng động nếu muốn tồn tại và phát triển sự nghiệp”, nữ giáo viên nói. Tuy nhiên, cô cho rằng, nếu thanh lọc giáo viên bằng cắt giảm biên chế, bỏ công chức, viên chức ồ ạt mà không tính toán kỹ, dễ khiến tình hình hỗn loạn, nảy sinh tiêu cực.

Nếu bỏ biên chế và giao toàn quyền tuyển chọn nhân sự cho hiệu trưởng dễ dẫn tới lạm quyền. Do đó, cần có cơ chế kiểm soát và có sự tham gia của nhiều bên như tổ chuyên môn, học sinh, phụ huynh… trong đánh giá, quyết định giữ hay sa thải giáo viên.

“Biên chế hay hợp đồng suy cho cùng chỉ là hình thức, không phải là vấn đề mấu chốt. Điều quan trọng để giáo dục phát triển là tạo cơ chế, môi trường làm việc văn minh để người tài được phát huy năng lực, chất xám. Dù hợp đồng hay biên chế đó cũng phải là cơ quan dân chủ, trong sạch”, nữ giáo viên phân tích.

Cô Quỳnh cho rằng, bản thân các trường đại học Sư phạm cần thay đổi nội dung, chính sách đào tạo, cung cấp nhiều hơn các kỹ năng sống, làm việc, thích nghi… để sinh viên khi ra trường có thể tồn tại trong bất cứ môi trường nào.

Ngày 12/5, tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, có vào và có ra.

Việc xóa biên chế, theo Bộ trưởng Nhạ, sẽ tạo được đột phá trong giáo dục, giúp nâng cao chất lượng dạy học, giải quyết được vấn đề thu nhập cho giáo viên. “Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục”, ông Nhạ nói.

Đề xuất xóa biên chế với giáo viên nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều thầy cô cho rằng, việc này sẽ làm xáo trộn giáo dục, khiến thầy cô giáo không yên tâm công tác vì lúc nào cũng có thể bị mất việc. Số khác lo ngại hiệu trưởng sẽ lạm quyền trong tuyển dụng giáo viên.

*Tên giáo viên đã thay đổi.

Quỳnh Trang

(Theo vnexpress.net)

Liên kết web
Về TDC
zalo-icon
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon